Đối với du khách chưa được
thưởng thức măng Bói đặc sản của quê hương Văn Bàn thì chưa thể nói là đã đến
và biết về Văn Bàn. Để có được vùng măng ngon sạch, mỗi ngày cung cấp ra thị
trường vài tấn măng Bói liên tục từ tháng 3 đến tháng 10 hàng năm. Được mọi
người trong và ngoài tỉnh biết đến thương hiệu măng bói là cả một quá trình.
Trước những năm 2000 người dân
chủ yếu khai thác các nguồn măng tự nhiên như măng Nứa, Tre, Vầu, Sặt mà chưa
chú ý đến măng Bói. Đến năm 2001, có một đoàn khách của Trung ương Hội Cựu
chiến binh Việt Nam lên làm việc tại Dương Quỳ - Văn Bàn. Với tình cảm là đồng
đội cũ các cán bộ hội đã lên thăm nhà anh La Đức Bình (Thôn 2 xã Dương Quỳ) và
được thưởng thức măng Bói, các anh có nhận xét "Đây là loại măng rất ngon,
hiếm có ở địa phương khác". Từ câu chuyện đó anh Bình có suy nghĩ: “Tại
sao đất vườn rừng ta có, nguồn giống măng ngon có, mà ta không mở rộng diện
tích, phát triển sản xuất để tăng thu nhập cho gia đình?”. Từ suy nghĩ trăn trở
ấy, anh Bình đã trực tiếp đến gặp gỡ cán bộ khuyến nông để được tư vấn kỹ thuật
nhân giống, trồng, chăm sóc cây Măng bói. Từ 4-5 khóm măng Bói của gia đình,
dần từng bước anh đã nhân thành công giống măng Bói vừa để mở rộng diện tích
măng tại vườn nhà, vừa cung cấp giống cho đồng đội. Đến nay gia đình anh mới
trồng được 50-60 khóm măng (15 kg/khóm), với giá bán 15.000 đồng/kg khóm, hàng
năm anh thu từ 8-10 triệu tiền từ măng và 4-5 triệu từ bán cây giống.
Từ những thành công bước đầu,
anh Bình đã chia sẻ kinh nghiệm với nhiều bà con để cùng nhau phát triển cây
măng Bói thành vùng hàng hóa. Sau hơn 10 năm, đến nay đã có rất nhiều hộ giầu
lên từ cây măng bói như hộ anh Hoàng Ngọc Sơi, La Tất Sinh, La Văn Quán ở xã
Dương Quỳ, măng Bói đã cho họ nguồn thu nhập từ 10-15 triệu đồng/năm. Điển hình
như hộ anh Phan Văn Chế - ở xã Khánh Yên Thượng, hiện nay anh đã trồng được
4.000 khóm, trong đó có 3.000 khóm đã cho thu hoạch; riêng năm 2013, nguồn thu
từ măng và cây giống trong của gia đình anh đạt 300 triệu đồng.
Anh Chế cho biết: “Trồng
măng vừa bảo vệ được môi trường sinh thái, giữ được nguồn nước, cung cấp nguồn
thực phẩm sạch cho con người, công đầu tư chăm sóc ít mà lại cho thu nhập cao.
Hiện gia đình tôi chủ yếu cung cấp măng cho các đơn đặt của khách hàng, chỉ sau
30 phút điện thoại là tôi đã có 1 đến 2 tạ măng tươi, ngon đáp ứng cho khách
hàng”.
Văn Bàn có gần 9 vạn dân chủ yếu
là đồng bào dân tộc thiểu số như: Tày, Hmông, Dao...cùng sinh sống. Với
diện tích tự nhiên 1.422 km2 , trong đó rừng tự nhiên chiếm trên 57%, đã tạo
điều kiện cho đồng bào nơi đây phát triển sản xuất, đặc biệt là nghề trồng
măng. Khác với trước đây, người dân Văn Bàn chỉ biết khai thác thì giờ đây họ
đang chuyển dần sang phương thức trồng măng, tạo vùng sản xuất hàng hóa theo
hướng bền vững.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét